Ngày
13/07/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành
một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài
làm việc tại Việt Nam | Theo đó, người lao động
nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam phải có
giấy phép lao động, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động nước ngoài
vào Việt Nam làm việc với thời hạn dưới 03 (ba) tháng; hoặc để xử lý các
trường hợp khẩn cấp như: những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức
tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh
doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở
Việt Nam không xử lý được; Người nước ngoài là thành viên Hội đồng quản trị
hoặc Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập
theo Luật Doanh nghiệp) các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của
pháp luật Việt Nam; Người nước ngoài là Trưởng Văn phòng đại diện, Trưởng
Chi nhánh tại Việt Nam; Luật sư nước ngoài đã được Bộ Tư pháp cấp giấy phép
hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Thời hạn gia
hạn của giấy phép lao động phụ thuộc vào thời gian làm việc tiếp của người
lao động nước ngoài cho người sử dụng lao động được xác định trong hợp đồng
lao động hoặc văn bản của phía nước ngoài cử người nước ngoài tiếp tục làm
việc ở Việt Nam, thời hạn gia hạn tối đa là 36 (ba mươi sáu) tháng. Đối với
các trường hợp hết thời hạn gia hạn lần thứ nhất, mà vẫn chưa đào tạo được
người lao động Việt Nam thay thế thì giấy phép lao động được tiếp tục gia
hạn nếu được sự chấp thuận của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đóng trụ sở chính.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. |
Ngày
13/07/2005 Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 8842/TC/TCT về việc thời
gian bắt đầu ưu đãi miễn, giảm thuế | Theo đó,
các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập được ưu đãi miễn, giảm thuế
TNDN nếu năm đầu tiên hoạt động kinh doanh dưới 06 tháng trong năm dương
lịch mà chưa đăng ký với cơ quan thuế thời gian ưu đãi miễn, giảm thuế
TNDN hoặc đã được giải quyết ưu đãi miễn giảm thuế TNDN thì cơ sở sản
xuất, kinh doanh được phép lựa chọn đăng ký với cơ quan thuế áp dụng
thời gian miễn, giảm thuế TNDN vào năm đó hoặc năm sau tiếp theo năm đó.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được miễn giảm thuế TNDN trong vòng 5
năm kể từ năm đầu tiên được miễn giảm thuế mà thời gian được hưởng ưu
đãi năm đầu dưới 06 tháng nay đăng ký lại thời điểm bắt đầu miễn, giảm
vào năm sau thì cơ sở sản xuất, kinh doanh xác định số thuế phải nộp đã
được miễn giảm trước đó để nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định.
Các trường hợp ưu đãi miễn giảm thuế TNDN từ năm 2004 trở đi thực hiện
theo đúng quy định tại Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 và
Thông tư số 88/2004/TT-BTC ngày 1/9/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về
thuế TNDN./. |
Ngày
14/07/2005 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11/2005/TT- BXD hướng dẫn
kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng |
Chủ đầu tư, các nhà thầu xây dựng, các tổ chức chứng nhận chất lượng
trong và ngoài nước thực hiện việc kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về
chất lượng công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo các
quy định tại Thông tư này. Theo đó, các công trình phải có chứng nhận
sự phù hợp về chất lượng trước khi đưa vào sử dụng là công trình khi xẩy
ra sự cố có nguy cơ gây thảm hoạ đối với người, tài sản và môi trường
gồm: công trình tập trung đông người như nhà hát, rạp chiếu bóng, rạp
xiếc, hội trường, trường học, sân vận động, nhà thi đấu, siêu thị và các
công trình xây dựng có chức năng tương tự; nhà chung cư, công trình bệnh
viện, nhà làm việc, công trình khách sạn, công trình hóa chất, hóa dầu,
chế biến khí, kho chứa dầu, khí không phân biệt cấp và các công trình
đê, đập, cầu, hầm từ cấp II trở lên. Các công trình được chứng nhận chất
lượng khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; các tổ
chức bán bảo hiểm; tổ chức, cá nhân sử dụng hoặc quản lý công trình.
Tuỳ theo yêu cầu về an toàn đặt ra cho công trình; nội dung kiểm tra,
chứng nhận chất lượng phù hợp có thể là một, một số hoặc toàn bộ các nội
dung sau: chứng nhận chất lượng phù hợp có thể là một, một số hoặc toàn
bộ các nội dung sau: an toàn về khả năng chịu lực của công trình, An
toàn sử dụng, khai thác và vận hành công trình, An toàn về phòng cháy và
chữa cháy, An toàn môi trường. Tổ chức chứng nhận chất lượng phải có
đủ điều kiện năng lực hoạt động tư vấn xây dựng theo quy định của pháp
luật phù hợp với loại, cấp công trình và nội dung chứng nhận chất lượng.
Về kinh nghiệm tối thiểu đã từng tham gia một trong các hoạt động tư vấn
xây dựng sau: quản lý dự án, thiết kế xây dựng, giám sát thi công xây
dựng và kiểm định chất lượng công trình xây dựng trong thời gian liên
tục 5 năm gần nhất và không có vi phạm trong hoạt động xây dựng. Đối
với các công trình phải có chứng nhận chất lượng: Chi phí kiểm tra và
chứng nhận chất lượng công trình xây dựng do chủ đầu tư trả cho tổ chức
chứng nhận chất lượng được lấy từ chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng
công trình. Khi chi phí kiểm tra và chứng nhận chất lượng vượt quá 35%
chi phí giám sát thi công xây dựng của chính đối tượng được chứng nhận
chất lượng, thì chủ đầu tư trình người quyết định đầu tư quyết định.
Tổ chức chứng nhận chất lượng có trách nhiệm lập dự toán cho công việc
kiểm tra, chứng nhận chất lượng tương ứng với nội dung và phạm vi kiểm
tra, chứng nhận chất lượng trình chủ đầu tư phê duyệt. Thông tư này
có hiệu lực 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. |
Ngày
15/07/2005 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 12/2005/TT- BXD hướng dẫn một
số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và Điều kiện năng lực
của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng |
Theo đó, nhiệm vụ thiết kế được chủ đầu tư phê duyệt là căn cứ để nhà
thầu thiết kế thực hiện. Trước khi phê duyệt, chủ đầu tư mời chuyên gia
góp ý nhiệm vụ thiết kế khi thấy cần thiết. Chủ đầu tư phải báo cáo
người quyết định đầu tư sau khi phê duyệt nhiệm vụ thiết kế. Căn cứ
điều kiện cụ thể của dự án đầu tư xây dựng, cấp công trình và hình thức
thực hiện hợp đồng khi chủ đầu tư ký hợp đồng với một hoặc nhiều tổ
chức, cá nhân thực hiện thiết kế thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm kiểm
soát và khớp nối toàn bộ thiết kế hoặc có thể giao cho tổng thầu thiết
kế thực hiện nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, xử lý kịp thời các
phát sinh đảm bảo hiệu quả của dự án. Đối với các công trình sửa chữa
hoặc xây dựng mới có quy mô nhỏ, đơn giản có vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng
thì chủ đầu tư có thể không lập Ban quản lý dự án nhưng phải được sự
chấp thuận của người quyết định đầu tư. Chủ đầu tư phải cử người quản lý
dự án và thuê các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát thi công xây dựng để
giúp thực hiện. Đối với các công việc xây dựng khó khắc phục khiếm
khuyết khi triển khai các công việc tiếp theo như công tác thi công phần
ngầm, phần khuất các hạng mục công trình chịu lực quan trọng thì chủ đầu
tư yêu cầu nhà thầu thiết kế cùng tham gia nghiệm thu. Khi tổ chức
nghiệm thu hoàn thành hmục công trình xây dựng và công trình xây dựng
đưa vào sử dụng, chủ đầu tư mời đại diện chủ quản lý sử dụng hoặc chủ sở
hữu công trình tham dự nghiệm thu. Thông tư này có hiệu lực sau 15
ngày, kể từ ngày đăng Công báo. |
Ngày
15/07/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2005/NĐ-CP về giải quyết
quyền lợi của người lao động ở doanh nghiệp và hợp tác xã bị phá sản |
Theo đó, khi doanh nghiệp, hợp tác xã có quyết định tuyên bố phá sản,
người lao động được trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc được trợ cấp
nửa tháng lương cộng với phụ cấp lương (nếu có) căn cứ khoản 1 Điều 42
Bộ luật Lao động. Phương án thanh toán các khoản nợ: Trường hợp
giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã trừ phí
phá sản đủ thanh toán các khoản nợ thì mỗi người lao động và cơ quan bảo
hiểm xã hội được thanh toán đủ số nợ. Trường hợp giá trị tài sản còn
lại của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã trừ phí phá sản không đủ
thanh toán các khoản nợ thì người lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội
được thanh toán các khoản doanh nghiệp, hợp tác xã nợ theo tỷ lệ tương
ứng. Trường hợp đến thời hạn thanh toán mà ngưòi lao động bị tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp chết hoặc đã điều trị ổn định thương tật thì tổ
chức quản lý, thanh lý tài sản thanh toán cho người lao động hoặc nhân
thân của họ tiền chi phí y tế, tiền bồi thường hoặc trợ cấp tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ
ngày đăng Công báo. |
Ngày
15/07/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2005/NĐ-CP Về việc cấp giấy
chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng. |
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước; người Việt
Nam ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhà ở, công trình xây
dựng được tạo lập hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đề
nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây
dựng phải có các điều kiện sau đây: Là công dân Việt Nam đang sinh
sống ở trong nước. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài thì phải thuộc
diện được sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 121 của Luật Đất đai năm
2003 hoặc thuộc diện được tạo lập công trình xây dựng tại Việt Nam theo
quy định của pháp luật. Đối với người nước ngoài thì phải thuộc diện
được tạo lập nhà ở hoặc công trình xây dựng tại Việt Nam theo quy định
của pháp luật. Có nhà ở, công trình xây dựng được tạo lập hợp pháp
tại Việt Nam thông qua đầu tư xây dựng, mua bán, nhận tặng cho, nhận
thừa kế, đổi hoặc thông qua các hình thức tạo lập khác theo quy định của
pháp luật. Theo đó, trường hợp công trình xây dựng có mục đích sử
dụng hỗn hợp của 1 chủ sở hữu thì cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công
trình xây dựng cho chủ sở hữu đó, nếu nhiều chủ sở hữu nhưng không thể
phân chia mục đích sử dụng riêng biệt thì giấy chứng nhận phải ghi đủ
tên các chủ sở hữu trong giấy chứng nhận và cấp cho mỗi chủ sở hữu 1
bản, nếu có thể phân chia mục đích sử dụng thì cấp giấy chứng nhận cho
từng chủ sở hữu. Trường hợp nhà ở công trình xây dựng thuộc sở hữu
chung của vợ chồng thì ghi tên cả vợ và chồng. Trong trường hợp có vợ
hoặc chồng là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài mà không
thuộc diện được sở hữu thì chỉ ghi tên người ở trong nước. Hồ sơ đề
nghị cấp giấy chứng nhận bao gồm: Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận, Bản
sao một trong các gấy tờ sau: Giấy phép xây dựng, Hợp đồng mua bán nhà ở
thuộc sở hữu Nhà nước, Giấy tờ xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về
việc không có tranh chấp về sở hữu, Giấy tờ về nhà đất do cơ quan có
thẩm quyền cấp qua các thời kỳ…, Bản vẽ sơ đồ nhà ở, công trình… Nếu
là người nước ngoài, hồ sơ đề nghị bao gồm: Giấy tờ chứng minh đối tượng
thuộc diện được sở hữu, Hộ chiếu hợp lệ (đối với người Việt Nam ở nước
ngoài) kèm theo giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận
mất quốc tịch hoặc giấy xác nhận đăng ký công dân… Đối với tổ chức,
hồ sơ đề nghị bao gồm: bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc
giấy phép đầu tư, Quyết định phê duyệt hoặc quyết định đầu tư dự án,
Biên lai nộp nghĩa vụ tài chính… Nghị định này có hiệu lực thi hành
sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 60/CP
ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử
dụng đất ở tại đô thị. |
|